Tầm quan trọng và lợi ích của trò chơi cảm giác mạnh với con trẻ

Tầm quan trọng và lợi ích của trò chơi cảm giác mạnh với con trẻ

Thoả mãn nhu cầu hôm nay, sáng tạo giá trị cho mai sau

Ngày đăng: 23/05/2024 03:21 PM

    “… Nghiên cứu gần đây cho thấy trò chơi cảm giác mạnh có mang ý nghĩa tiến hóa và thực chất đem lại vô số lợi ích cho con trẻ. Trong quyển sách The Art of Roughhousing(Nghệ thuật trò chơi mạnh bạo), Anthony DeBenedet và Larry Cohen nhấn mạnh một số lợi ích ấy và những nghiên cứu đằng sau chúng. DeBenedet và Cohen cho rằng, thay vì dạy trẻ nhỏ trở nên bạo lực và bốc đồng, trò chơi mạnh bạo “giúp trẻ thông mình, giàu cảm xúc, đáng yêu và dễ thương, hiểu đạo lý, khỏe mạnh, và vui vẻ”. Nói ngắn gọn, trò chơi cảm giác mạnh giúp con trẻ của bạn tuyệt vời hơn.”


    1. Tầm quan trọng của trò chơi cảm giác mạnh

    Đùa nghịch cảm giác mạnh. Trò chơi bạo lực. Đấu vật. Bạn muốn gọi thế nào cũng được, đó là một trong những điều tuyệt vời nhất khi làm bố. Tôi rất thích chơi rượt bắt với đứa con trai một tuổi, Gus, chạy xung quanh nhà hoặc xem phòng khách như một võ đài và hai bố con chơi tha hồ đấm nhau. Dù cho tôi có căng thẳng thế nào, hễ nghe thấy tiếng cười lớn, giòn giã của con khi tôi nhấc bổng nó quay vòng vòng như một con khỉ khiến những mối lo của tôi đều tan biến.

    Thế nhưng, trong những năm gần đây, chơi đùa cảm giác mạnh đã trở thành một hiểm họa. Do quan ngại đến độ an toàn và phòng tránh ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), các bậc cha mẹ đã hạn chế những trò chơi mạnh bạo mà con trẻ tham gia. Ít nhất 40% học khu ở Mỹ đã loại bỏ hoặc đang có ý định loại bỏ giờ ra chơi, vì giáo viên cần nhiều thời gian hơn để nhồi sọ trẻ nhỏ những kiến thức cho các bài kiểm tra tiêu chuẩn, vì họ sợ bọn trẻ sẽ bị thương và nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, và cũng vì chơi mạnh bạo có thể dẫn đến hành vi bạo lực, theo lời một hiệu trưởng đã cấm giờ ra chơi tại trường tiểu học của bà ở Cheyenne, theo bà trò chơi rượt bắt “dễ dàng tiến triển thành những hành vi đánh đập, xổ đẩy thay vì chỉ là một cái chạm vào người.”

    Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy trò chơi cảm giác mạnh có mang ý nghĩa tiến hóa và thực chất đem lại vô số lợi ích cho con trẻ. Trong quyển sách The Art of Roughhousing(Nghệ thuật trò chơi mạnh bạo), Anthony DeBenedet và Larry Cohen nhấn mạnh một số lợi ích ấy và những nghiên cứu đằng sau chúng. DeBenedet và Cohen cho rằng, thay vì dạy trẻ nhỏ trở nên bạo lực và bốc đồng, trò chơi mạnh bạo “giúp trẻ thông mình, giàu cảm xúc, đáng yêu và dễ thương, hiểu đạo lý, khỏe mạnh, và vui vẻ”. Nói ngắn gọn, trò chơi cảm giác mạnh giúp con trẻ của bạn tuyệt vời hơn.

    Dưới đây chúng tôi liệt kê sáu lợi ích của trò chơi cảm giác mạnh với trẻ nhỏ. Lần tới khi vợ bạn trách móc vì bạn chơi đùa mạnh bạo với bọn trẻ, bạn có thể nói với cô ấy rằng: “Anh đang giúp con phát triển thành một người khỏe mạnh, năng động đấy em yêu à!”… ngay trước khi hạ nốc ao cô con gái.

    2. Lợi ích của các trò chơi trò chơi cảm giác mạnh

    Tăng cường sự dẻo dai của trẻ nhỏ 

    Giúp con trẻ hình thành một tinh thần dẻo dai là một trong những điều tối đẹp nhất mà bậc làm cha mẹ có thể làm. Khả năng vực dậy sau thất bại và thích nghi với những tình huống bất ngờ giúp trẻ nhỏ đạt đến tiềm năng lớn nhất của mình và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn khi trưởng thành. Và một cách dễ dàng để tăng sự dẻo dai của trẻ nhỏ chính là nhẹ nhàng tung chiêu khóa đầu và cù vào tóc của con.

    Chơi những trò chơi cảm giác mạnh đòi hỏi trẻ phải nhanh chóng thích nghi với những tình huống bất ngờ. Mới phút trước là đè đầu cưỡi cổ phút sau lại thành đi đầu xuống đất. Theo lời nhà sinh vật học tiến hóa Marc Bekoff trong quyển Wild Justice (Luật rừng), bản chất ít ai ngờ đến của các trò chơi mạnh bạo thực chất là thiết lập lại não bộ của trẻ bằng cách tăng số liên kết giữa các neuron trong vỏ não, góp phần làm tăng sự linh hoạt trong cách cư xử. Học cách đương đầu với những thay đổi đột ngột khi trò chơi mạnh bạo rèn luyện trẻ nhỏ đương đầu với những chướng ngại bất ngờ trên con đường mà con sẽ đi khi bước chân ra thế giới bên ngoài.



     

    Thêm vào đó, trò chơi cảm giác mạnh giúp phát triển sự bạo dạn và gan lì của trẻ nhỏ. Bạn không nên để con “thắng” một cách đơn giản mỗi khi chơi đùa. Dù là con muốn thoát ra khỏi bạn hay chạy vượt bạn ở hành lang, hãy khiến con nỗ lực vì điều đó. Giờ chơi đùa là cơ hội vui nhộn và an toàn để dạy cho con hiểu rằng thất bại thường chỉ là một tình trạng tạm thời và chiến thắng sẽ đến với người kiên trì và học hỏi từ những sai lầm.

    Trò chơi cảm giác mạnh bạo cũng giúp trẻ học cách chế ngự và giải quyết nỗi đau và phiền muộn. Bạn không nên cố ý làm đau con khi nô đùa (ôi hẳn rồi), nhưng một chút va quệt chắc chắn sẽ xảy ra. Thay vì âu yếm và hôn con “chụt chụt”, các ông bố có khuynh hướng khiến con quên đi đau đớn bằng những câu chuyện đùa hay những hoạt động khác. Học cách giải quyết và chế ngự những bất tiện nhỏ khi nô đùa có thể giúp trẻ đương đầu với áp lực mà con sẽ gặp phải khi đi học và đi làm.

    Giúp trẻ thông minh hơn

    Đừng ngần ngại. Hãy thẳng tay quẳng con bạn xuống giường như quẳng một bịch khoai tây. Điều đó sẽ giúp con bạn trở thành một Einstein Nhí đấy.

    Nhà tâm lý học Anthony Pellegrini đã chứng minh rằng nếu trẻ chơi đùa trò chơi mạnh bạo nhiều, thành tích của trẻ khi vào lớp một sẽ cao hơn khi ở nhà trẻ. Vì sao nô đùa cảm giác mạnh lại giúp trẻ thông minh hơn? Cũng có nhiều lý do đấy.

    Đầu tiên, như đã đề cập phía trên, trò chơi mạnh bạo giúp trẻ dẻo dai hơn và sự dẻo dai linh hoạt là chìa khóa để phát triển trí thông minh ở trẻ. Những đứa trẻ dẻo dai linh hoạt thường xem thất bại là một thử thách để vượt qua chứ không phải một sự kiện định hình bản thân. Trí óc dẻo dai giúp đảm bảo trẻ vực dậy sau khi bị điểm thấp và cho trẻ thêm sức mạnh để tiếp tục cố gắng cho đến khi trẻ tinh thông một chủ đề nào đó.

    Ngoài việc giúp trẻ dẻo dai hơn, trò chơi cảm giác mạnh thực chất tái cơ cấu lại bộ não giúp trẻ học tập. Các nhà thần kinh học nghiên cứu não bộ động vật và con người đã chứng minh rằng những cuộc vật lộn ấy tăng nồng độ một chất hóa học trong não bộ được gọi là yếu tố ảnh hưởng tế bào thần kinh bắt nguồn từ não (brain-derived neurotrophic factor – BDNF). BDNF giúp tăng sự phát triền neuron ở những phần não bộ phụ trách về trí nhớ, logic, và những kỹ năng học tập cấp cao khác cần thiết cho việc học.

    Xây dựng trí thông minh giao tiếp

    Tôi đã nói chuyện với một vài phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ, những người luôn e ngại các trò chơi mạnh bạo vì họ nghĩ chúng sẽ biến trẻ thành “con nít quỷ”, “trẻ ranh” sau này biết đâu lại bị bắt vào trại cải tạo. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu lý do vì sao họ quan ngại – trẻ năm tuổi đấm nhau với bố, trẻ năm tuổi cho rằng bạo lực rất vui, trẻ năm tuổi biến thành tên côn đồ hung hãn chỉ biết chăm chăm đi đánh người.

    Vấn đề ở đây là nghiên cứu thực cất đã chỉ ra kết quả ngược lại hoàn toàn: những trẻ thường xuyên nô đùa trò chơi mạnh bạo hầu như luôn hòa đồng và có cảm xúc sâu sắc hơn những trẻ không chơi. Tiến sĩ Stuart Brown, một chuyên gia về trò chơi (Vâng, bạn có thể trở thành chuyên gia về trò chơi đấy. Ngạc nhiên chưa?) nói rằng “thiếu những trò chơi vật lộn sẽ cản trở trẻ tiếp thu việc cho đi và nhận lại cần thiết để tinh thông giao tiếp xã hội và điều này cũng có liên quan đến việc trẻ thiếu kiểm soát những thôi thúc bạo lực trong cuộc sống sau này”. Đúng vậy. Chơi đấu vật với con giúp đảm bảo rằng con sẽ không trở thành một Ted Bundy tiếp theo. Ngoài ra thì tránh cho con bạn tiếp xúc với mèo nhà hàng xóm cũng giúp ngăn chặn điều ấy.


     

    Trò chơi cảm giác mạnh giúp tăng trí thông minh giao tiếp theo nhiều cách. Thứ nhất, khi trẻ hoạt động mạnh, trẻ sẽ học cách phân biệt giữa chơi đùa và bạo lực thật sự. Trong một cuộc khảo sát giữa các trẻ em ở độ tuổi đi học, Tiến sĩ Pellegrini nhận thấy những trẻ biết phân biệt giữa đùa nghịch và bạo lực thực sự được yêu mến hơn so với những trẻ không thể phân biệt được chúng. Những trẻ hiểu lầm một trò đùa nghịch thành bạo lực thường sẽ đáp trả màn chào hỏi thiện ý của bạn bè bằng một quả đấm thẳng mặt. Khả năng phân biệt giữa chơi và thật cho thấy những khả năng giao tiếp khác đòi hỏi ta phải đọc và hiểu đúng những ám thị giao tiếp.

    Trò chơi cảm giác mạnh cũng dạy trẻ biết cách thay phiên nhau và hợp tác. Bạn có thể không nhận ra, nhưng khi bạn vật lộn với con, bạn đã tham gia vào một cuộc đàm phán cho-và-nhận với mục tiêu chung là ai cũng đều vui vẻ. Đôi khi bạn rượt và đôi khi bạn bị rượt, có lúc bạn đè con xuống sàn và có lúc con đè bạn xuống sàn. Con của bạn sẽ chẳng muốn chơi bời gì nếu con luôn ở thế thua. Mọi người đều phải thay phiên nhau để cuộc vui được tiếp tục.

    Điều thú vị là ở chỗ động vật cũng tham gia trò chơi nhập vai thay phiên này. Sói trưởng thành sẽ phơi bụng và cổ cho sói con leo lên và nhường chúng “thắng” trong cuộc chơi. Những con chuột mạnh mẽ hơn sẽ giả vờ thua trong các cuộc chơi và nhường những con chuột yếu ớt hơn giành chiến thắng để trò chơi được tiếp tục. Marc Bekoff thừa nhận rằng trò chơi mạnh bạo có thể là phương thức mà thiên nhiên dạy cho động vật biết cách hợp tác, một kỹ năng cần thiết cho sự sinh tồn của một giống loài.

    Dạy cho trẻ hiểu về đạo đức

    Ai cũng mong muốn con cái sẽ được như Atticus Finch – đạo đức tốt, chính trực, và giàu lòng trắc ẩn. Đó chính là lý do vì sao đôi lúc bạn cần nhấc bổng con lên rồi quật xuống giường.

    Khi ta chơi đùa mạnh tay với con trẻ, chúng sẽ hiểu được những ranh giới và sự khác biệt giữa đúng và sai. Nếu chúng bắt đầu mạnh tay, nhắm vào phần dưới thắt lưng, hay trở nên ác ý, bạn có thể quở trách con một chút và rồi chỉ cho con thế nào là hành vi đùa giỡn đúng mực.

    Ngoài ra, trò chơi cảm giác mạnh dạy cho trẻ sử dụng sức mạnh và quyền lực đúng nơi đúng chỗ. Như tôi đã đề cập phía trên, khi ta đùa giỡn với trẻ, ta thường thay phiên ở thế thắng. Vì chúng ta to con và mạnh hơn, ta phải tự gây bất lợi cho bản thân. Khi bạn nhường con thắng, thông điệp ngầm được gửi đến cho con rằng: “Thắng không phải là tất cả. Con không cần phải luôn là kẻ chi phối. Có một loại sức mạnh tên là thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người yếu ớt hơn con.”

    Khiến trẻ có thể chất năng động

    Các ông bố có ảnh hưởng sâu sắc đến tình trạng thể chất của con trẻ. Nghiên cứu đã cho thấy rằng mức độ hoạt động và cân nặng của các ông bố (chứ không phải các bà mẹ) có thể dự đoán được mức độ hoạt động và cân nặng của trẻ khi trưởng thành. Nếu bạn muốn con mạnh mẽ, năng động, và khỏe khoắn thì bạn cũng nên mạnh mẽ, năng động, và khỏe khoắn.

    Có cách nào dạy cho con sống cuộc sống năng động tốt hơn là kéo con xuống thảm cùng đấm nhau mãnh liệt thay vì mọi người ngồi dính mông trước TV? Những trò chạy nhảy, nhào lộn, bám víu ấy giúp phát triển sức mạnh, sự dẻo dai, và sự phối hợp ở trẻ.

    Xây dựng mối quan hệ giữa cha và con

    Những kỷ niệm đẹp nhất ở thời thơ ấu của tôi là khi bố cùng đùa nghịch với tôi và anh trai. Khi hai anh em tôi còn nhỏ bố luôn bắt chúng tôi chơi trò “cưỡi ngựa nhong nhong”. Khi lớn hơn một chút chúng tôi chuyển sang sang chơi tát nhau, bố tôi thường huơ tay múa chân lia lịa trước mặt như mấy võ sĩ trong phim kungfu cũ và rồi bất ngờ nhẹ nhàng bạt vào đầu chúng tôi. Trò tát nhau này là vui nhất.

     


    Có lẽ bạn cũng có những kỷ niệm tương tự vói bố của bạn. Những trò chơi cảm giác mạnh cho phép các ông bố thể hiện sự yêu thương đối với con cái trong một môi trường vui vẻ và nhộn nhịp. Khi Gus và tôi vật lộn, chúng tôi ôm và hôn nhau rất nhiều giữa những cú khóa đầu.

    Khi bạn quẳng con lên trời và chụp lấy con hay dựng ngược con xuống đất, bạn đang xây dựng lòng tin của con đối với bạn. Khi con tham gia các hoạt động có phần nguy hiểm cùng với bạn, con sẽ hiểu được rằng con có thể tin tưởng bạn sẽ giữ con an toàn.

    3. Vậy chơi đùa cảm giác mạnh với con như thế nào hiểu cho đúng  nghĩa?

    Nét đẹp của trò chơi cảm giác mạnh là không có cách nào đúng hay sai cả. Trò chơi mạnh bạo thuộc về ngẫu hứng, ứng biến vừa om sòm vừa tác động qua lại. Đừng nghĩ quá nhiều về việc bạn có đang làm đúng hay không. Chỉ cần vui là được.

    Trên tinh thần đó, The Art of Roughhousing đưa ra một số hướng dẫn bạn cần nhớ khi quẳng con lên không:

    An toàn là trên hết. Dù cho bạn muốn chơi mạnh tay và om sòm với con, bạn cũng chẳng muốn cuộc chơi trở nên quá điên rồ đâu. Chỉ cần chú ý xung quanh và giữ con tránh xa những khu vực có thể làm con bị thương. Ngoài ra, nhớ rằng các khớp xương của trẻ rất dễ bị tổn thương khi hoạt động mạnh. Những trò khóa khớp tay khớp chân hãy để dành đến sau khi con đã lớn hơn và cơ thể phát triển hoàn thiện.

    Đừng hoạt động mạnh ngay trước khi đi ngủ. Đối với tôi, tôi thường thích vật lộn với Gus ngay trước khi đi ngủ. Tôi sẽ rất nhớ chàng trai nhỏ của tôi khi nó đi ngủ, vì vậy tôi muốn có càng nhiều giây phút bố con càng tốt trước khi để con vào giường. Nhưng cũng như người lớn, trẻ con cần một khoảng thời gian trước khi đi ngủ để thư giãn và giảm tốc lại con có thể bước vào giấc ngủ. Hay chơi đùa với con vào giờ sớm, trừ phi bạn muốn một con cú đêm cùng xem TV với bạn lúc đêm khuya.

    Con gái cũng có thể chơi các trò chơi mạnh bạo. Con trai thì đúng là thích đấm nhau sẵn rồi, nhưng hãy đảm bảo bạn không bỏ quên con gái của mình trong những cuộc vui. Nghiên cứu cho thấy các bé gái chơi đùa mạnh bạo với bố thường tự tin hơn những bé không chơi. Và mốt số nghiên cứu còn chỉ ra rằng trò chơi mạnh bạo có thể ngăn ngừa thiên thần nhỏ của bạn trở thành dạng “hot girl chảnh chọe”, “cô nàng xấu tính” hay khủng bố tâm lý các bạn gái khác.

    Chia sẻ: